expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

29 thg 7, 2012

Cha đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống

Tôi sinh ra không có tuổi thơ. Khi tôi lên năm tuổi, bắt đầu biết nhận thức về thế giới xung quanh, tôi mới phát hiện ra tôi không có mẹ, cũng chẳng có cha. Từ bé tí, bà ngoại đã chỉ lên bàn thờ bức ảnh về một người phụ nữ và bảo với tôi rằng: “Con ơi, mẹ con bạc phận sớm quá!”. Tôi không hiểu, mãi đến khi đã lớn, đã trưởng thành cũng không hiểu nổi vì sao mẹ lại bạc phận sớm thế.  
        Suốt cả tuổi thơ, một năm một lần, ông ngoại cõng tôi đi hai ngày đường lên tít tận rừng núi để gặp cha. Ông ngoại chỉ cho tôi cái người đàn ông gầy gò, có đôi mắt sâu, gương mặt xương xương trông vô cùng xa lạ bảo với tôi: “Cha của con đấy. Tới thăm cha đi con”.
Lần nào tôi cũng đứng từ xa, lùi chặt vào ông ngoại và nhất quyết không tới gặp người đàn ông xa lạ có bộ quần áo sọc đen trắng ấy. Tôi đã nhoài người khỏi ông ngoại và chạy biến đi chơi. Sau này, tôi mới biết nơi ông ngoại đưa tôi đến thăm cha tôi chính là trại giam TL.
          Tôi đã căn vặn hỏi ông bà rất nhiều lần rằng tại sao mẹ tôi lại chết, còn cha thì phải vào tù. Tại sao hoàn cảnh gia đình của tôi lại không như những đứa trẻ khác. Ông bà ngoại thở dài, nước mắt lưng tròng. Cuối cùng thì tự tôi cũng tìm đến được sự thật.
         Xót đau và cũng là sai lầm của ông bà ngoại tôi ở chỗ họ sợ làm tôi tổn thương nên đã không tự nói cho tôi biết sự thật về cha mẹ tôi.
          Từ nhỏ, đến trường, tôi đã là một đứa trẻ luôn luôn bị cô lập. Mọi đứa trẻ khác không muốn lại gần tôi, không ai dám chơi cùng tôi. Chúng nó bảo với tôi rằng: “Mày là con một thằng giết người. Cha mày độc ác thế, chúng tao không chơi với mày đâu. Cha mày ác quá nên mẹ mày ức quá mà chết”.
          Những lời nói như sát muối vào ký ức non nớt của tôi và mãi mãi đọng lại đó, ghim vào tâm hồn trẻ thơ của tôi nỗi nhục nhã tận cùng. Tôi trở thành một đứa trẻ sợ hãi, yếu đuối và lập dị. Lên lớp 6, tôi không bao giờ chịu đi thăm cha tôi nữa.
          Từ ngày tôi bỏ học, tôi không đọc thư của cha tôi. Mặc cho cha tôi thề với tôi rằng cha không phạm vào tội ác, chưa từng làm một điều gì xấu xa. Mẹ vì buồn phiền về gia cảnh mà ốm chết. Cha mong tôi tin ở cha, và cho cha một cơ hội để cha trở về, nhưng tôi không tin.
          Tôi tự nói với lòng mình rằng, tôi không thể làm con của một kẻ giết người, giết chính cả mẹ đẻ của tôi. Coi như tôi không có cha. Rồi tôi trở thành một thằng bé hung dữ, côn đồ sẵn sàng đánh chết một đứa nào dám động đến tôi. Tôi sống lang thang nay đây mai đó.
          Năm lớp 11, tôi bỏ học. Ông bà ngoại tôi khóc ròng rã. Trong lòng tôi vô cùng xót thương ông bà, nhưng tôi vẫn bỏ ra thành phố và gia nhập vào đám bụi đời. Ông ngoại sau bao lần ra phố tìm tôi để đưa tôi trở về nhà, nhưng cuối cùng ông đành bất lực.
          Thế rồi điều gì đến đã đến. Sau một vụ ẩu đả gây chết người, không ai khác, chính tôi đã trở thành một tội đồ. Vì không phải là kẻ chủ mưu, nhưng do tòng phạm, tôi mang án tù 3 năm. Tôi gặp lại cha tôi ở trại giam TL.
          Sau này tôi mới biết cha tôi đã viết thư cho ông ngoại đề nghị ông ngoại làm đơn cho tôi đi thụ án ở trại giam nơi cha tôi đang cải tạo. Vậy là sau 6 năm, tôi gặp lại cha trong một hoàn cảnh ê chề. Cha tôi đã gầy gò, nay càng gầy hơn, mới ngoài 37 tuổi nhưng tóc cha tôi bạc trắng.
          Tôi đã tránh mặt cha tôi ngay cả khi ở trong trại, tôi lạnh lùng từ chối tất cả mọi quan tâm săn sóc của cha tôi. Tôi đã quát thẳng vào mặt cha tôi rằng, ông không phải là cha tôi. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy cha tôi khóc. Lưng cha tôi còng gập xuống, vai run lên bần bật khi nghe tôi nói vậy. Hành động của tôi đã không qua mắt được những phạm nhân ở đây.
          Sau lần tôi từ chối nhận cha, một phạm nhân trong phòng mang án tù chung thân, mình xăm trổ kinh dị đã đánh cho tôi một trận nhừ tử. Anh ta vừa đánh vừa nói: “Lẽ ra ông ấy không nên đẻ ra mày, không nên có một đứa con như mày. Mày không đủ tư cách để làm con ông ấy nhưng chớ xúc phạm đến ông ấy. Ở trại giam TL này, ông ấy là người cha, người anh, người thầy của tất cả chúng tao đấy. Biến!”.
          Trận đòn nhừ tử của người bạn tù cha tôi đã làm thay đổi trong tôi một cảm giác nào đó. Tôi không còn hung dữ và bất cần nữa. Tôi bắt đầu để ý quan sát tới cha hơn.
          Cha tôi trước khi vào tù từng là một giáo viên THPT ở trường huyện. Mẹ tôi cũng là giáo viên tiểu học. Cha tôi vào trại đã được 15 năm. Án tù chung thân giờ đã giảm xuống còn 20 năm do cha tôi cải tạo tốt. Cha tôi được Ban giám thị trại giam cử ra phòng giáo dục của trại làm việc.
          Hằng ngày cha tôi dạy học cho các phạm nhân mù chữ và làm công tác tư tưởng cho những phạm nhân hạnh kiểm kém. Toàn trại, từ giám thị cho đến phạm nhân ai ai cũng quý cha tôi, nể trọng cha tôi và coi cha tôi như một người thầy. Tôi cho rằng vì ân hận tội lỗi trong quá khứ, cha tôi đang phục thiện. Trong tôi vẫn dứt khoát khước từ tình cảm của cha.
         Tôi thụ án được 6 tháng thì có một sự kiện đã làm thay đổi cả cuộc đời của tôi. Đó là một buổi sáng, toàn trại giam TL tập trung đột xuất để nghe thông báo của Ban giám thị. Hôm đó, lần đầu tiên tôi không thấy cha tôi mặc quần áo phạm nhân. Cha tôi xúng xính trong chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần tây mới toanh. Cha tôi ngồi trên hàng ghế đại biểu.
          Trưởng giám thị trại giam TL trịnh trọng đọc một thông báo làm cho tôi điếng người. Cha tôi được tự do. Rằng vụ án của cha tôi, công an đã tìm ra thủ phạm giết người sau 15 năm. Cha tôi được minh oan. Thì ra,15 năm qua cha tôi đã bị kết án oan, ông đã phải ở 15 năm trong tù chỉ vì những chứng cớ vô tình đã đưa ông vào tội giết người.
          Chuyện oan sai của những vụ án là chuyện hy hữu, khốn khổ thay lại rơi đúng vào trường hợp của cha tôi. Sau khi đọc xong thông báo minh oan và trả tự do cho cha, cha tôi đã bật khóc. Cha tôi phát biểu trước toàn thể phạm nhân và Ban giám thị rằng: Cuối cùng sự thật cũng đã tìm đến với cha tôi. Cha tôi chỉ có một tâm nguyện duy nhất là Ban giám thị, TAND nơi xử oan sai cho ông gửi công văn thông báo về cơ quan cũ, về UBND tỉnh, huyện, xã, và về gia đình của ông để minh oan cho ông. Cha tôi chỉ có một nguyện vọng duy nhất như vậy.
          Hôm đó, cha đã ôm lấy tôi trong nước mắt nghẹn ngào. Cả hai cha con cùng khóc. Tôi khóc vì ân hận đã đối xử tệ bạc với cha, còn cha tôi thì chỉ nói được một câu: “Con tha lỗi cho cha, vì cha mà cuộc sống của con đến nông nỗi này. Từ nay cha sẽ ở bên con, giúp con làm lại cuộc đời”.
          Cha tôi về thăm gia đình, thăm ông bà ngoại (vì ông bà nội đã mất từ khi cha tôi còn nhỏ) đúng 1 tháng, cha tôi khăn gói trở lên trại. Cha tôi làm đơn tình nguyện phục vụ ở trại, tiếp tục mở các lớp học xóa mù chữ và bổ túc văn hóa cho các phạm nhân trong trại.
          Cha nói với tôi: “Trường cũ nơi cha dạy học đã yêu cầu cha về lại công tác. Nhưng cha nghĩ rồi, cả đời cha chỉ còn lại con. Cha phải lên đây giúp con. Khi nào con thụ án xong, con cũng phải hoàn thành xong việc học phổ thông. Rồi con sẽ thi đỗ đại học, cuộc đời con sẽ mở ra một trang mới. Cha sẽ ở bên con để bù đắp cho con những thiệt thòi đau khổ mà cha đã gây ra cho con, dù cha không muốn như thế”.
          Từ đó, cha con tôi ở bên nhau. Cha dạy tôi học nốt chương trình phổ thông. Cũng chính khoảng thời gian 2 năm ở trại, tôi đã học được rất nhiều điều về tình thương, về những điều nhân bản và cao thượng trong mỗi con người, dù kẻ đó từng phạm vào tội ác.
          Chính môi trường ở trại cải tạo, và tấm gương kiên trì, dũng cảm của người cha bất hạnh đã gột rửa tâm hồn tôi, đã đưa tôi đến một miền nhận thức khác, cho tôi niềm tin mãnh liệt vào những phần đẹp đẽ trong cuộc sống này. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều phạm nhân đã cảm nhận được điều đó từ cha tôi, ông đã giúp cho họ nhận ra đâu là thiện ác và quay về với cuộc sống thiện trong mỗi con người.
            Vì cải tạo tích cực, tôi được đặc xá trước thời hạn 1 năm. Ngày tôi được tự do cũng là ngày cha con tôi khăn gói về Hà Nội để đăng ký cho tôi kỳ thi vào đại học. Điều tuyệt vời đã xảy ra với tôi, tôi đỗ Đại học Bách khoa. Mọi chi phí để cha con tôi đi thi và sau đó là nhập học đều do Ban giám thị trại giam TL và các phạm nhân ở đây đóng góp hỗ trợ.
            Cầm những đồng tiền ấy, cha con tôi đã phải khóc vì cảm động, bản thân tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn lao hơn, nặng nề hơn.
          Cuối cùng thì sau những nỗ lực của cha tôi, của Ban giám thị trại giam TL, và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước, cùng với sự bù đắp cho 15 năm oan sai của cha tôi, tôi đã được nhà trường bỏ qua quá khứ phạm tội và được nhận vào học.
          Tôi đi học thì cha tôi cũng quay về quê chăm sóc ông bà ngoại và tiếp tục dạy học ở trường huyện gần nhà. Tôi tốt nghiệp đại học, ông bà ngoại tôi đều lần lượt qua đời. Tôi thi được vào làm việc ở một công ty tại Hà Nội và hiện đã có công ăn việc làm ổn định. Tôi đem ý định đón cha tôi lên Hà Nội để cha con gần nhau.
          Thế nhưng, cha tôi đã nói: “Con ạ, cha quyết định rồi, cha đã hoàn thành nhiệm vụ nuôi con ăn học. Nay con có việc làm ổn định, lương cao, đủ để thu xếp cho cuộc đời của con, cha nghĩ mình cũng nên làm đơn xin thôi dạy học ở trường. Nguyện vọng của cha lúc này là lên trại giam TL để dạy học cho các phạm nhân. Những con người từng phạm vào tội ác thì trong họ vẫn còn một phần lương tri, nếu được thức tỉnh, họ sẽ trở thành những người tốt. Cha muốn lên đó giúp đỡ họ. Cha cũng đã từng lâm vào hoàn cảnh bất hạnh nên cha rất hiểu nỗi khổ tâm của họ”.
         Tôi đã để cha thực hiện nguyện ước. Hễ lúc nào có thời gian rỗi, tôi lại lên trại thăm cha. Trại giam TL giờ đã là gia đình thực thụ của cha con tôi. Cha tôi khỏe mạnh và trẻ trung ra sau những biến cố của cuộc đời.
         Có một điều tôi không bao giờ hiểu được là, tại sao trải qua bao biến cố như thế, mà cha vẫn không nản chí, không hận thù. Cha được minh oan, với ông chỉ cần như thế là quá dủ.
          Cha không hề làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai trong 15 năm ở tù, không những thế, cha tôi còn trở lại trại với tư cách là một tình nguyện viên. Tâm hồn của cha, tấm lòng của cha là một biển lớn thâm sâu mà tôi có đi hết cuộc đời cũng không bao giờ hiểu nổi.
Theo ANTGCT
Nguồn: xzone.vn




--