expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

24 thg 12, 2012

LỊCH SỬ CHÙA DIÊM PHỤNG (CHÁNH GIÁC TỰ)



LỊCH SỬ CHÙA CHÁNH GIÁC
( NIỆM PHẬT ĐƯỜNG DIÊM PHỤNG )
                                              Nguyên Lộc

Chùa Chánh Giác, Niệm Phật Đường Diêm Phụng tọa lạc tại thôn Diêm Trường, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa cách Thành Phố Huế 35km về phía Nam, qua Cầu Trường Hà xuôi theo bờ Biển hướng về Chùa Tổ Quốc tự Thánh Duyên, Tiền diện Đầm Phá Thủy Tú Tam Giang, nhìn thẳng bên kia là dãy Trường Sơn hùng vĩ với Núi Truồi Bạch Mã, sau lưng là Quốc lộ 49B chạy dài theo vùng cát trắng miền quê.

Khuôn Hội Phật Giáo Diêm Phụng thành lập vào năm 1947, Ban đầu sinh hoạt tại Chùa Từ Duyên (Chùa Làng), thuộc hai làng Diêm Trường và Phụng Chánh.
Năm 1956, Chư vị Tiền bối hữu công muốn phát triển mạnh hơn và không bị chi phối bởi nhiều tập tục tế lễ của dân gian, nên đã quyết định tìm địa điểm mới để di chuyển nơi sinh hoạt và bắt đầu thành lập ngôi Chùa Diêm Phụng kể từ đó. Ban đầu chỉ bằng tranh tre lá nứa, không gian còn hạn chế nhưng một bề yên tĩnh thanh tịnh. Trái lại, Địa điểm mới của Chùa có không gian rộng thoáng, hướng mặt theo khúc lượn uống cong của đầm phá Thủy tú Tam giang, tạo nên một hình ảnh hữu tình của vùng sông nước quê hương, 
1. Tên gọi của Chùa: Để gắng kết tình Làng nghĩa xóm,  quy hướng Phật tử và con dân của hai Làng Diêm Trường và Phụng Chánh quay về một mối, nên chư vị trưởng lão của hai Làng, Phật tử và nhân dân đều đồng thuận lấy theo tên gọi nhân gian là Chùa DIÊM PHỤNG, là lấy ý nghĩa ghép chữ đầu tên của cả hai Làng, DIÊM là trượng trưng cho làng Diêm Trường, PHỤNG là trượng trưng cho làng Phụng Chánh để có tên Diêm Phụng.
Ngoài ra Chùa còn có một tên gọi khác nữa, nhân duyên cũng chính là lần đặt viên đá đầu tiên xây dựng Niệm Phật Đường Diêm Phụng, toàn thể Phật tử có được duyên lành ngay từ những bước khai sáng ban đầu trên con đường phục vụ Đạo Pháp, đó chính là sự quang lâm Chứng minh cầu nguyện của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mật Nguyện, Chánh Đại Diện Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên lúc bấy giờ, Ngài đã không quảng đường xá xa xôi cách trở nhận lời thỉnh cầu của hàng Phật tử sơ cơ tại đây, Ngài đã Từ Bi hoan hỷ về tận miền quê này để đặt viên đá đầu tiên đó cho Chùa. Cố Đại lão Hòa thượng sau khi nhìn thấy không gian và tấm lòng của những người con Phật, Có lẽ đã thấy được những gì sau này cho Phật giáo tại đây, cho đàn hậu học khi có duyên lành bước chân tu tập ở tại ngôi Chùa này, và để động viên khích lệ sách tấn cho hàng Phật tử, cho những người đang trên con đường hoằng hóa độ sanh, Ngài đã ung dung mĩm cười, lặng lẽ sau một phút suy ngẫm và quyết định ban cho Niệm Phật Đường Diêm Phụng một danh hiệu khác, đó là CHÁNH GIÁC TỰ, đây là niềm hoan hỷ lớn lao cho Phật tử lúc bấy giờ đang chứng kiến Lễ đặt viên đá đầu tiên cho Chùa lúc bấy giờ và là sự khai nguồn cho bước trưởng thành của Chùa Chánh Giác, Niệm Phật Đường Diêm Phụng sau này.
2. Giai đoạn hình thành và phát triển: Vị khuôn trưởng lúc bấy giờ là Cố Đạo hữu Nguyên Thi Nguyên Xuân Luân, tính đến nay đã trãi qua 11 vị khuôn trưởng qua các thời kỳ như sau:
1.    Đạo hữu :    Nguyên Thi         NGUYỄN XUÂN LUÂN
2.    Đạo hữu:     Nguyên Hồng      HOÀNG TRƯNG
3.    Đạo hữu:     Nguyên Tỷ          HOÀNG XUÂN LƯƠNG
4.    Đạo hữu:     Nguyên Mạng     HỒ VĂN MÔ
5.    Đạo hữu:     Nguyên Cố          HOÀNG ĐẮC
6.    Đạo hữu:     Nguyên Cần        HỒ VĂN CHỈNH
7.    Đạo hữu:     Nguyên Đầu        VÕ HIẾU
8.    Đạo hữu:     Nguyên Đoàn      TRẦN HƯNG ĐẢNG
9.    Đạo hữu:     Nguyên Đẳng      BÙI CẰN
10.  Đạo hữu:     Nguyên Dẫn        PHẠM TẤN TUỆ
11.  Đạo hữu:    Nguyên Ái           NGUYỄN VĂN THOẠI
Các vị đã hy sinh cho Phật giáo tại đây, nhiều khi cũng đã đỗ máu xương và nước mắt cho sự hình thành và phát triển để có được ngày hôm nay, cùng tất cả những vị trong Khuôn hội lớp lớp qua đi, nhiều vị đã trở về cảnh Phật nhưng những hình bóng chư vị tiền bối hữu công vẫn in đậm trong lòng mọi người cho đến ngày hôm nay mãi không phai mừ.  Và vị đang giữ chức vụ Khuôn trưởng hiện tại là Đạo hữu Nguyên Ái Nguyễn Văn Thoại.
Năm 1958 - 1959 Chùa đã xây dựng lại lần thứ 2 nhưng vẫn còn khiêm tốn, Phật tử sinh hoạt ngày mỗi đông nên Chánh điện không đủ chổ để hành Lễ trong những dịp của bà con Phật tử đến Chùa, nhất là những ngày lễ lớn.
Năm 2002, duyên lành hội đủ, Trên nhờ Hồng Ân Tam bảo gia hộ, sự chứng minh cầu nguyện của Chư tôn thiền đức Tăng Ni và sự phát tâm của quý Đạo hữu Phật tử gần xa, ở trong nước và ở nước ngoài, người ít kẻ nhiều, người công kẻ của, nên Chùa đã được khởi công Đại trùng tu lần thứ 3 sau ngày Phật đản PL 2546 (2002). Sau lần đại trùng tu này Chánh Điện đã được xây dựng theo mô hình của Chùa Từ Đàm củ, gồm tiền đường hậu tẩm trang nghiêm rộng thoáng và bề thế cho đến ngày hôm nay.
Trong lần đại trùng tu này, đặc biệt nhất đó là có được sự gia trì cầu nguyện của Hòa thượng Thích Trí Quang tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Đức Phương, Hòa thượng Thích Trí Việt, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Thích Trường Sanh và chư tôn đức Tăng Ni tại trú xứ tỉnh Thừa Thiên Huế, các Tỉnh phía nam cùng Chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, là những vị đã từng là Huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT Diêm Phụng đã xuất gia ở trong nước và ở nước ngoài, đã trợ duyên rất lớn trong lần Đại trùng tu này.
Lễ đặt đá dưới sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Phước Minh, Chánh Đại Diện Phật giáo huyện Phú Lộc lúc bấy giờ, Thượng Tọa Thích Hạnh Trí, Ni sư Thích Nữ Huệ An và toàn thể chư tôn đức trong Ban Đại Diện Phật giáo huyện Phú Lộc.
Một nhân duyên khác, từ năm 2007 - 2011 sau nhiều lần thăm viếng và công tại Phật sự tại huyện nhà của Đại Đức Thích Hồng Nghĩa, Phó Ban Đại diện Phật giáo huyện Phú Lộc, Đại Đức là đệ tử của Hòa thượng Thích Chơn Hương trú trì Chùa Quảng Tế tại Thành Phố Huế, là vị Hòa thượng đạo cao đức trọng trong hàng lãnh đạo Giáo hội. Toàn thể Đạo hữu Phật tử đã thành tâm cung thỉnh Đại Đức về Trú trì Chùa Diêm Phụng để trực tiếp hướng dẫn tu học và đã được Đại Đức hứa khả chấp nhận.
Duyên lành hội đủ, Lễ Nhập Tự diễn ra vào ngày 01 tháng 08 năm Tân mão (2011) trước sự chứng minh của Chư tôn thiền đức Tăng Ni, sự hiện diện của quý cấp lãnh đạo Chính quyền Huyện, Xã. Đại Đức Thích Hồng Nghĩa đã chính thức về Trú Trì tại mái Chùa Diêm Phụng thân thương này.
Hơn một năm qua (2012), Thầy và Trò chúng tôi đã cùng nhau nổ lực trong nhiều công tác Phật sự. Đã cùng nhau xây dựng trang nghiêm Quan Âm Các, tôn tạo lại Điện thờ Tam Bảo trang nghiêm huy hoàng hơn, Tăng Đường, Khách đường, mở rộng khuôn viên phía trước và phía sau của Chùa để có một không gian sinh hoạt xứng tầm với một ngôi Phạm vũ và nhiều công trình phụ khác đã và đang tiến hành...
Mặc khác, con đường liên thôn trước Chùa đã được chính quyền Nhà nước xây dựng mới bằng bê tông rộng lớn, con đường được cải thiện chạy thẳng vào xóm đường Làng, thuận duyên cho Phật tử đến Chùa tu học, đã phần nào tăng thêm vẻ đẹp cho cảnh quang của Chùa và ổn định được địa cuộc phía trước tạo sự cân đối cho khuôn viên Chùa.
3. Kế thừa và phát huy: Trong suốt thời gian qua, kể từ ngày thành lập từ năm 1947 cho đến nay, nơi đây có lẽ là một danh thắng địa linh của vùng quê, một vùng Đất Phật thiêng liêng, mặc dầu chiến tranh loạn lạc, phương tiện giao thông cách trở, lúc còn ban sơ  Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã từng về Phật sự nơi đây phải qua sông vượt Phá, đò giang cách trở. Vậy mà vì Phật sự, vì thương tưởng chúng sanh, với hạnh nguyện phục vụ chúng sanh là cúng dường Chư Phật mà quý Ngài đã vân du hóa đạo về vùng xa xôi này, Chùa Chánh Giác - Diêm Phụng đã mãi in dấu những bước chân hóa đạo của quý Ngài, nơi đây chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội đã quá cố như Cố Hòa Thượng Mật Nguyện, Cố Hòa Thượng Mật Hiển, Cố Hòa Thượng Chánh Trực, Cố Hòa Thượng Thanh Trí, Cố Hòa Thượng Thiện Siêu, Cố Hòa Thượng Lưu Đức, Cố Hòa Thượng Trí Nghiễm, Cố Hòa Thượng Trí Nghiêm, Cố Hòa Thượng Chơn Thức, Cố Hòa Thượng Chơn Hiền, Cố Hòa Thượng Giới Hương, Cố Hòa Thượng Từ Phương... Các Ngài đã về cảnh Niết Bàn nhưng trong lòng người dân, Phật tử tại đây mãi hằng in dấu ấn ân Sư.
Và những bước chân của Chư tôn lãnh đạo Giáo hội hiện nay đã từng viếng thăm, thuyết giảng, hành Lễ tại đây như Trưởng lão Hòa Thượng Thích Đức Phương, Hòa Thượng Lưu Hòa, Hòa Thượng Trí Hải, Hòa Thượng Giác Quang, Hòa Thượng Đức Thanh, Hòa Thượng Hải Ấn, Hòa Thượng Quang Nhuận, Hòa thượng Chơn Hương, Hòa thượng Thanh Liên, Hòa Thượng Quán Chơn, Hòa thượng Khế Chơn... cùng một số chư tôn đức đang lãnh đạo Giáo hội, chư tôn đức khắp mọi miền đã hoan hỷ về đây, dù là một lời nhắn nhủ, dù chỉ là một hình bóng giảng dị đơn sơ, nhưng tất cả là niềm hạnh phúc an lạc vô biên, là hành trang, là niềm khích lệ lớn lao cho chúng con trên bước đường tìm cầu Giác ngộ giải thoát.
Đâu đây đã xa xưa lắm rồi, trong tai Hòa thượng Thích Khế Chơn sau một đêm Phật sự ở lại Chùa Chánh Giác Diêm Phụng này, vẫn còn văng vẳng câu kệ thỉnh chuông U minh của một cụ già: "Nam mô U Minh Giáo chủ, cứu khổ NÔNG THÔN, cứu bạt minh đồ Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát".
Còn biết bao thăng trầm của lịch sử Phật giáo tại đây, những giai thoại khó quên của những ngày mới sơ khai, những lúc Pháp nạn, những ngày binh biến cho nên Phật sự tại đây nhiều khi vẫn gặp nhiều trở ngại khó khăn, nhưng tất cả chúng ta hãy luôn nhìn lại và luôn tin tưởng rằng, Phật đã dạy: tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, ai ai cũng sẽ thành Phật, sẽ là vị Chánh đẳng Chánh Giác trong tương lai như tên gọi của Chùa mà Cố Đại lão Hòa thượng Mật Nguyện đã ban cho, Chùa Chánh Giác, Niệm Phật Đường Diêm Phụng sẽ mãi mãi hiện hữu trong mỗi một người con nơi đây và khắp cho tất cả chúng sanh khi biết quy hướng về ngôi Tam Bảo.