expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

24 thg 12, 2012

Tôn tạo chánh điện


TÔN TẠO CHÁNH ĐIỆN

                                                           Nguyên Hùng


(Ba pho Tam thế Phật)

Vào ngày 06 tháng 11 năm Nhâm Thìn, nhằm ngày 18/12/2012, Chùa Chánh Giác - Niệm Phật Đường Diêm Phụng chính thức triển khai triệt hạ tân tạo điện Thờ Tam Bảo.
Đúng vào lúc 05h00 sáng sớm, Đại Đức Thích Hồng Nghĩa trú trì Chùa Chánh Giác Diêm Phụng đã niêm hương bạch Phật cầu nguyện, cùng toàn thể quý Đạo hữu trong Ban Hộ tự đã đến Chùa vào lúc 4h sáng sớm để cùng cầu nguyện, sau đó cung thỉnh Tượng Bổn sư ra tạm thời an trí tạm thời trước Tiền đường, sau đó bắt đầu cho Phật sự trọng đại này. Công việc dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày rằm tháng Chạp để Phật tử gần xa trở về chiêm bái cầu nguyện trong dịp Tết nguyên đán Xuân Quý Tỵ 2013 sắp đến.

Nhân duyên để Chùa Chánh Giác - Diêm Phụng phát tâm tôn tạo lại Chánh Điện đó là sự khởi đầu phát tâm cúng dường Ba ngôi Tam Thế Phật của Đạo hữu Mai Thị Ngọc Oanh cùng gia đình, nguyên là đoàn sinh GĐPT Diêm Phụng trước đây, là con dân của Làng đang sinh sống tại Sài Gòn.
Được biết sự phát tâm này cũng từ nhiều nhân duyên đến với Phật tử Ngọc Oanh, đó là sau nhiều lần Phật tử trở về quê hương Diêm Phụng, đã lên Chùa lễ Phật, và cứ mỗi lần sau khi Lễ Phật xong Phật tử Ngọc Oanh thường đứng lại chiêm bái nơi tôn trí Điện thờ Phật để xem mình có duyên đóng góp phần nào cho ngôi Chùa mà chính mình đã từng là đoàn sinh GĐPT khi còn ở quê nhà hay không? Sau những lần như vậy, Phật tử lại ra về nhưng luôn mang trong lòng một điều gì đó khó tả, muốn làm được một việc gì cho Chùa nhưng không biết phải làm gì.
Sau một lần gặp Thầy trú trì Tại Sài gòn trong dịp Tang Lễ Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, đây là lần đầu tiên Phật tử được tiếp chuyện với Thầy trú trì và trình bày một giấc mơ kỳ lạ để mong Thầy trú trì giải bày, sau khi Thầy trò nói chuyện xong thì Phật tử đã nói tâm nguyện của mình đối với Chùa quê hương Diêm Phụng, mong làm được điều gì đó để hồi hướng công đức báo hiếu cho Ba Mẹ, cho gia đình và nhất là hồi hướng công đức nầy cho những người đang còn chịu nhiều cảnh đọa đày đau khổ như trong giấc mộng của Phật tử. Khi được biết Chùa muốn tôn tạo lại Chánh điện và thờ Tam thế Phật như những ngôi Chùa tại Huế để trang nghiêm Phạm vũ, tạo thêm sự tôn nghiêm cho Phật tử mỗi khi hành lễ chiêm bái, Phật tử Ngọc Oanh đã xin nguyện phát tâm cúng dường theo tâm nguyện của mình và gia đình. Trong thời gian phát tâm cho Phật sự này Phật tử đã gặp nhiều điều kỳ diệu và tin sâu vào Bồ tát Quán Thế Âm với nhiều sự nhiệm mầu.
Một điều nữa là ở quê nhà, khi nghe con mình phát tâm cúng dường Tam thế Phật trị giá gần 70 triệu đồng, Ba Mẹ của Phật tử đã nhiều lần rơi nước mắt vì quá hạnh phúc khi biết con mình đã làm được việc lớn lao như vậy cho Chùa, cho quê hương, và song thân của Phật tử hằng đêm cũng đem ngày cầu nguyện cho Phật sự này sớm được viên thành, đây là niềm khích lệ, là niềm  hoan hỷ cho gia đình phát tâm mạnh hơn trong việc đến Chùa tu tập, tạo thêm nhiều niềm an lạc cho những ngày còn lại của tuổi già.
Chỉ trong một thời gian ngắn, việc cung thỉnh 3 tượng Tam thế Phật rất được thuận duyên chuyển từ Đài Loan về Chùa Chánh Giác Diêm Phụng chỉ chưa đầy một tháng, Thầy trú trì và Ban Hộ tự đã có nhiều phiên họp để triển khai Phật sự, trong đó có nhiều hạng mục cần tiến hành trước khi cung nghinh Tam Thế Phật tôn nghiêm an vị như sau:
* Thiết kế 1 Bảo Cái lớn bằng gỗ sơn son thiếp vàng ( Tàng lọng lớn ) che phủ phía trên tượng Tam thế Phật và tượng Bổn sư bằng đồng củ của Chùa và 2 Bảo táng tả hữu tượng Quán Âm bồ tát và Địa Tạng bồ tát. Kinh phí cho 3 Bảo tang này là 70 triệu đồng do mộc mỹ nghệ làng Mỹ Xuyên tại Huế đảm nhận.
* Làm bức hoành phi lớn với 4 chữ "TAM BẢO TỐI TÔN", làm 2 câu đối ở 2 bên trụ Chánh điện cao 3m có nội dung: PHẬT TẠI THẾ GIAN TRUNG, PHỔ TẾ QUẦN SANH, VIỄN LY TAM ĐỒ KHỔ - PHÁP ÂM TAM GIỚI NỘI, QUẢNG KHAI PHÀM THÁNH, CHỨNG NHẬP NIẾT BÀN MÔN, và nhất là làm một bức diềm võng CỬU LONG dài hơn 8m ở giữa 2 trụ Chánh điện, một đài sen lớn để tôn tượng Bổn sư bằng đồng và một tủ áng, tất cả những hạng mục trên đều được làm bằng gỗ và sơn son thiếp vàng tại Làng nghề chuyên làm tượng gỗ ở Hà Tây, thủ đô Hà Nội đảm nhận với tổng kinh phí là 140 triệu đồng. 
* Hai Tràng Phan lớn bằng Gấm lụa trị giá 30 triệu đồng do Phật tử Nguyễn Thị Thu Hà pháp danh Quảng Anh thuộc công ty Hoàng Bảo Long tại Huế phát tâm cúng dường.
*Một bệ gỗ lớn cao 1m để nâng cao ba tượng Tam Thế Phật và 7 tượng Phật Dược Sư cũng được chạm trỗ công phu do huynh trưởng Phạm Tấn Lãm phụ trách. 
Tất cả những hạng mục trên đã được tiến hành hơn một tháng nay để kịp đưa vào trang trí và sẽ được chuyển về Chùa Chánh Giác Diêm Phụng vào những ngày sắp đến của đầu tháng Chạp năm Nhâm Thìn. Hiện nay nhóm thợ nề Hoàng Phẩm tại quê đang gấp rút tiến hành cải tạo lại phần Nề và sơn quét phía trong Chánh điện sau khi đã phá bỏ phần củ của Chánh điện.
Nguyện cầu Tam Bảo chứng minh, Long thiên Thiện thần ủng hộ để Phật sự trọng đại này của Chùa Chánh Giác, Niệm Phật Đường Diêm Phụng sớm được viên thành.
                            Những hình ảnh triệt hạ chánh điện cũ